Thanh Lâm đợi tôi ở cổng từ trước. Thực ra tôi rất thích tòa biệt thự của nhà Thanh Lâm, nhất là bụi trúc Tương Phi ngay trước cổng, gió thổi trúc reo, lắc lư nhảy múa, bất kể ngày hay đêm đều mang đầy phong vị. Còn nhớ lần trước khi tôi nói với Thanh Lâm về cảm nhận đó của mình, cô ấy đã làm mặt quỷ với tôi rồi nói mình sợ nhất bụi trúc đó, ban đêm nhìn hệt như bóng ma, mỗi khi có gió thổi qua là lại lao xao như tiếng quỷ gào. Khi lên tám tuổi, cô ấy nghịch ngợm chui vào bụi trúc này chơi trốn tìm với mẹ, đã từng nhìn thấy một người con gái mặc áo trắng, nhưng bà ngoại lẫn mẹ đều không tin. Thanh Lâm bảo rằng sau lần ấy, dù là đi qua đó vào ban ngày nhưng cô ấy vẫn cảm thấy chỗ này ảm đạm làm sao.
Thanh Lâm mang họ mẹ, con rể của nhà họ Hà đã năm đời ở nhà vợ, mỗi thế hệ cũng chỉ sinh được một người con gái. Còn nhớ mẹ Thanh Lâm từng đẻ được một đứa con trai, song không may chết yểu. Năm cô ấy mười lăm tuổi, người bố cũng qua đời vì xuất huyết não. Người già đều nói năm đó xấu, đó cũng là năm ông nội tôi mất tích.
Mẹ Thanh Lâm vừa trông thấy tôi đã kéo tay một cách thân tình rồi nói:
“Ôi, Tiểu Ảnh lâu rồi không đến chơi, càng ngày càng xinh ra đấy! Bà ngoại của Thanh Lâm cũng thường xuyên nhắc đến cháu với cô”.
Tôi cười, đưa chiếc hộp đang cầm trong tay cho cô ấy: “Chúc cô sinh nhật vui vẻ!”.
“Đến chơi là được rồi, còn phải tặng quà nữa”. Mẹ Thanh Lâm cười rồi nhận lấy.
“Không có quà thì lấy gì để mẹ của con vui lòng đây? Mẹ mình yêu thương cậu cứ như cậu mới là con gái của bà ấy vậy. Hễ nhìn thấy mình thì lại nói mình không tốt điểm này, không được điểm kia”. Thanh Lâm giật lấy hộp quà trong tay mẹ, nhanh tay mở ngay ra.
“Thanh Lâm, không có quy củ gì cả, để bà ngoại con nhìn thấy rồi lại mắng cho đấy!”. Mẹ Thanh Lâm rất chiều con gái, dù ngoài miệng nói lới trách cứ, song trong giọng điệu lại chứa đầy sự thương yêu. Cả tính cách lẫn tướng mạo của cô ấy đều giống nhau, mềm mại tới mức không có một chút góc cạnh nào.
“Mình biết ngay là áo dài xường xám mà. Đẹp quá! Mẹ, màu này rất hợp với mẹ đấy. Mẹ đừng có mặc mãi những áo quần màu trắng nữa, thử màu này xem sao, lát nữa lên nhà thay đi nhé!”. Thanh Lâm lấy tấm kỳ bào bên trong hộp ra. Mẹ Thanh Lâm xưa nay vẫn thích mặc màu nhạt, quần áo đều là màu trắng sữa, trắng bạc. Tôi vốn định tặng cô ấy một chiếc xường xám màu trắng, nhưng màu trắng lại không đủ vui vẻ, nên chuyển thành màu phấn hồng, màu này không quá rực rỡ mà cũng không tới nỗi trầm.
“Cháu vẫn sợ cô sẽ không thích nó”.
“Sao thế được? Chiếc áo đẹp thế này. Đi thôi, chúng Tiểu Ảnh vào nhà đi!”. Thanh Lâm khoác tay mỗi người một bên rồi đi vào phòng khách.
Tiểu Ngọc, Tiểu Xuyến, Vỹ Hào đã đến trước rồi. Trong đám khách khứa, tôi thấy Vân Phong cũng ở đó, cánh tay bị một cô gái xinh đẹp giữ chặt lấy, khuôn mặt lộ ra vẻ đắc ý. Tôi chỉ đứng từ xa nhìn họ, vụ cãi lộn mấy ngày trước khiến tôi không thể không xem xét lại tình cảm giữa hai bên, xem tình yêu bắt nguồn từ đâu? Có lẽ tôi ngày càng xa trái tim anh ấy, vốn tưởng rằng anh ấy sẽ gọi điện xin lỗi hoặc cũng nhờ Thanh Lâm làm thuyết khách, nhưng anh ấy không hề làm bất cứ điều gì.
Nhớ năm thứ tư đại học, có lẽ là mùa đông nhỉ? Không biết khi đó chúng tôi cãi nhau vì chuyện gì, nhưng tôi có thể nhớ rõ rằng mình đã gây hấn một cách vô lý, kiên quyết bắt anh ấy phải xin lỗi mình ngay trên đường. Sau đó, vì không thỏa mãn với thành ý của anh ấy, tôi giận dỗi bỏ về ký túc xá. Khi ấy hình như là thời điểm lạnh nhất của Thượng Hải, để tôi tha thứ, anh ấy đã đứng bên dưới khu nhà suốt cả buổi tối. Thời đó tình yêu còn cháy bỏng đến vậy, anh ấy có thể bỏ qua tất cả sự im lặng lầm lì, sự điên cuồng quá khích và cả sự ồn ào vô lý của tôi.
Tình cảm mãnh liệt ngày ấy đã bị thời gian dần dần gặm nhấm, chỉ còn lại sự mục ruỗng, không biết rồi còn giữ được bao lâu.
Có lẽ do cảm nhận được ánh mắt của tôi, anh ngước lên nhìn, sau khi thấy tôi, anh bèn buông tay cô gái đó ra và đi đến. Trái tim tôi chợt ấm lên, nhưng khi nhìn thấy bóng dáng anh mỗi lúc một gần, tôi đột nhiên ấm ức tới mức muốn trốn đi. Tôi đứng dậy đi ra ban công, anh rảo bước nhanh hơn rồi giữ lấy tay tôi từ phía sau, hơi thở phả lên cổ tôi: “Ảnh, đã hết giận chưa?”.
“Không đi với bạn gái mới của anh à?”, tảng băng cứng ngắc ở đáy lòng tôi tan chảy vì cái ôm khẽ của Vân Phong. Cảm thấy trong giọng điệu của mình mang đầy ý vị ghen tuông, tôi thầm chửi mình yếu đuối. Có lẽ tình cảm suốt ba năm trời không chỉ đơn thuần là yêu, mà còn là một thói quen nữa. con người có những lúc chẳng thể thay đổi được thói quen, không phải cứ nói “không cần” là từ bỏ được. Con người vẫn yếu lòng như vậy, có những khi, dù rất tức giận nhưng trong đầu luôn nghĩ đến những điểm tốt của người kia.
“Em định đi đâu? Cô ấy chỉ là con gái của bạn bố anh thôi, anh vẫn xem như em gái. Ảnh! Em nhìn anh đi, không cho em nghĩ ngợi lung tung. Hồi đó anh phải vất vả mới theo đuổi được em, làm sao có thể dễ dàng từ bỏ như vậy được?”.
Anh khẽ khàng quay đầu tôi lại để tôi nhìn vào mắt anh, ánh mắt anh thành thực tới mức khiến cho mọi nghi ngờ trong tôi tan biến. Tôi còn đang muốn vặn lại thì…
“Anh Phong, đây là chị dâu đúng không? Đẹp quá!”, là người con gái đi cùng Vân Phong đến đây, tay cô ấy bê một chiếc khay, bên trên đặt mấy chiếc đĩa đựng đồ ăn nhẹ. Cô ấy cười nhẹ nhàng với Vân Phong nhưng khi nhắc đến tôi, cũng không hề nhìn thẳng vào tôi. Miệng nam mô bụng một bồ dao găm, tôi cảm thấy buồn nôn, liền sa sầm mặt, ngay cả một nụ cười cũng tiếc không thèm cười với cô ta.
“Miệng lưỡi ngọt thật đấy!”. Vân Phong đón lấy chiếc khay đựng đồ điểm tâm, cảm giác thấy tôi không thoải mái, nên bàn tay đang đặt ở eo tôi cũng siết chặt hơn: “Đây là em gái anh, Ngưng Hương”.
“Chào em, chị là Lý Ảnh!”. Cố gắng nén sự khó chịu trong lòng xuống, tôi gật đầu với cô ta.
“Chào chị, chị Lý! Thôi, em không làm phiền hai người nữa nhé. Anh Vân Phong khéo đang mắng em không biết tế nhị là gì rồi đấy”. Ngưng Hương mím môi cười, vừa nó vừa nháy mắt với Vân Phong, nói xong mới mang chiếc khay trống quay lại phòng khách.
Vân Phong nói một tràng những lời tốt đẹp, chúng tôi lại vui vẻ như thường.
Vì lại hòa giải với Vân Phong nên cả buổi tối hôm đó tôi thấy rất vui.
Dù là tiệc sinh nhật của mẹ Thanh Lâm, nhưng đến cuối cùng lại trở thành vũ hội của đám thanh niên chúng tôi. Cả buổi tối không thấy bóng dáng bà ngoại Thanh Lâm đâu, Thanh Lâm nói bà bị cảm nhẹ, đã đi ngủ từ sớm rồi. Khi ra khỏi nhà Thanh Lâm đã là một rưỡi sáng, Vân Phong đưa tôi về, lúc đi qua bụi trúc rậm rì ấy, tôi loáng thoáng nghe thấy tiếng giày cao gót, còn tưởng rằng Thanh Lâm đi theo tiễn chúng tôi, nhưng khi quay đầu nhìn lại chỉ thấy một bóng người màu trắng đứng ở đầu bên kia vườn trúc, trông hơi quen nhưng không phải Thanh Lâm, cũng không phải Hà phu nhân. Vân Phong thấy tôi quay đầu lại, cũng quay theo nhìn ra đó: “Em nhìn gì thế? Có ai đâu”.
Tôi giật mình, sao anh ấy lại không trông thấy ai? Ra sức chớp mắt, đến lúc định thần, tôi nhìn lại thì chỉ thấy bên đó vắng tanh, đúng là không có ai thật. Bóng trúc lắc lư, gió thổi qua nghe tiếng lá kêu xào xạc, như tiếng rầm rĩ của linh hồn.
Tôi sợ tới mức bám vội lấy tay Vân Phong: “Phong, em quả thực có nhìn thấy người, một người phụ nữ mặc áo trắng!”.