Đến lượt cậu út: “Nhạc phụ đại nhân, hôm nay con đến chúc thọ cha, cha thấy đấy, các anh con đều vui quá mà hóa ra hồ đồ, những trò nhỏ nhặt đó làm sao mà dám trình lên trước mặt cha được, để con xóa mấy bức tranh vớ vẩn kia đi nhé…” Nói rồi lết chân đi vào bên trong.
Ba anh em đúng là “Gấu trời qua sông”, lại qua được một cửa ải. Cho đến lúc các cô gái về nhà thăm cha mẹ kể lại sự tình thì không thể giấu giếm được nữa. Cao tài chủ chửi đến tám đời tổ tông nhà Thôi lão đạo. Thời đó, con gái đã gả chồng thì như bát nước đã đổ đi, không thể lấy lại được, nhưng không thể nuốt trôi cơn giận này, đường đường ba cô con gái xinh đẹp là vậy, đúng là quá hời cho ba thằng thọt, phải tìm người đánh gãy chân Thôi lão đạo mới được. Thôi lão đạo không ngờ Cao tài chủ lại để bụng như vậy, ngặt nỗi nhà người ta giàu có cũng không thể dây vào, nghe phong phanh được thông tin liền bỏ chạy cả đêm, trong thời gian ngắn không dám về nhà. Tiền tiêu cũng đã gần hết, không tránh khỏi nảy ý đồ đào trộm mộ, vừa hay lão ta cũng có quen vài người anh em ở bên ngoài, hỏi đường đi qua Hoàng Hà tìm lại mấy người anh em đó, hợp lại thành một nhóm đi đào trộm mộ, làm giàu một chuyến.
2
Người đầu tiên mà Thôi lão đạo nghĩ tới là người em kết nghĩa “Đả thần tiên Dương Phương”, vì người này thân thủ nhanh nhẹn như linh miêu, nên còn biệt danh “Trại ky miêu”. Kỹ thuật đổ đấu đều do các sư phụ trong Quan Nội truyền lại, những trò như lên trời xuống đất kiểu gì cũng biết, lớp người trước trong giang hồ nhắc tới cậu ta thì không ai không biết tên.
Có một giai thoại rằng, trước khi sinh Dương Phương thì bố anh ta nằm mơ thấy mình đi vào một ngôi điện nguy nga lộng lẫy với những chiếc cột lớn chạm hình rồng vàng bao quanh. Một vị trưởng lão râu tóc bạc phơ đang ngồi chính giữa điện, trong góc tường có một con mèo đang nằm cuộn tròn. Con mèo đó không có gì phải chê ngoại trừ không có mắt, nó là một con mèo mù. Ông cụ chỉ vào con mèo nói với bố Dương Phương: “Đây là con của ngươi.” Bố Dương Phương lắc đầu: “Tôi không cần con như thế này”. Ông cụ nghe vậy liền lấy hai con mắt vàng trên con rồng cuốn quanh chiếc cột lắp vào cho con mèo. Bố Dương Phương giật mình tỉnh dậy, ngày hôm sau vợ ông ta sinh hạ một cậu con trai có đôi mắt long lanh sáng rực.
Thực ra, Dương Phương là một cậu bé mồ côi, được sư phụ nhặt về nuôi, bản thân cậu ta cũng chẳng biết bố mẹ mình là ai, câu chuyện trên cũng không có căn cứ gì nên không thể tin được. Nhưng đã có câu chuyện như vậy lưu truyền trong dân gian cũng chứng tỏ rằng đôi mắt của cậu ta không phải là vừa, trời càng tối đôi mắt càng sáng, thị lực càng phi thường. Sư phụ cậu ta có mệnh danh là “Bàn tính vàng”, thường xuất hiện ở lưu vực sông Hoàng Hà, sau đó không rõ đi đâu, chắc là đã chết, để lại cho Dương Phương một chiếc roi bảy khúc “Đả thi tiên”, tức là roi đánh xác chết. Đó không phải loại roi mềm giang hồ hay sử dụng, mà là chiếc roi bảy khúc được làm từ gang thép, giống như binh khí mà các tướng sĩ hay dùng, rất nặng và không có lưỡi dao, chủ yếu dùng lực để đả thương. Tương truyền, năm xưa Ngũ Tử Tư đào mộ Sở vương đã đánh vào thi thể ba trăm roi, chắc hẳn các cương thi đều sợ bị roi đánh. (Bạn đang đọc truyện tại website: Haythe.us) Loại roi mạ vàng mà dân đổ dấu dùng gọi là “Đả thi tiên”, roi nhưng có khúc, giữa các khúc có mắt nối ba cạnh, là loại vũ khí hai trong một, có màu đồng, rất nặng, dài hai thước năm thốn sáu phân, tổng cộng có bảy khúc, bốn sáo lõm, khắc chìm câu chú trừ yêu trấn ma, tay cầm của roi có vỏ bọc như vảy rồng, ngoài tác dụng trấn tử thi trừ tà, còn có thể dò đất tìm mộ. Do nhắc trực tiếp từ “tử thi” là phạm húy điều cấm kỵ nên gọi nó là “Đả thần tiên.”
Dương Phương nhận được chân truyền, dựa vào khả năng thông thạo đường đi lối lại, vác thêm roi đồng trên vai, chuyên đi khắp nơi hành nghề đào trộm mộ, gặp phải nhà giàu nào mà tâm địa không tốt liền trèo tường cướp của chia cho người nghèo. Từ khi hành nghề, anh ta chưa một lần thất bại. Dân quốc năm thứ nhất, thiên tai nhân họa liên miên, thiên hạ đại loạn cũng là lúc thổ phỉ xuất hiện khắp nơi, người Dự Tây gọi thổ phỉ là thảng tướng. Thời đó, có một tên thảng tướng tên Đồ Hắc Hổ thủ lĩnh quân phiệt, trong tay nắm binh quyền, hùng cứ một phương. Những năm đó, quân phiệt phát tài và mở rộng quân lực nhờ việc đào trộm mộ là chuyện bình thường. Đồ Hắc Hổ cũng thường làm ba cái chuyện thất đức này, không chỉ làm giàu từ người chết, hắn còn đoạt cả mạng người sống để làm giàu. Mới đây không lâu, hắn đánh nhau với một đội quân phiệt khác tại vùng lân cận phủ Khai Phong, Hà Nam. Cuộc chiến kéo dài dai dẳng mà Đồ Hắc Hổ lại muốn đánh nhanh thắng nhanh, liền đào mương dẫn nước từ Hoàng Hà vào gây đại lụt làm chết không ít người dân vô tội.
Lúc đó, Dương Phương cũng đi ngang qua, nghe nói Khai Phong phủ ở Hà Nam là cố đô của sáu triều vua, phong cách của nhà Tống vẫn còn lưu lại đến nay, nên thuận đường đi qua thưởng ngoạn. Từ xa đã nghe thấy tiếng nước chảy ầm ầm, đi nửa ngày đường mới tới cửa sông Hoàng Hà, chỉ thấy nước chảy cuồn cuộn, sôi sục đổ ra biển đông, cảm thấy dòng sông thật mạnh mẽ, hùng vĩ. Nhưng khi qua sông tới bờ bên kia, anh thấy từng đoàn người dân đang đi tị nạn, dọc đường thường xuyên bắt gặp cảnh bắt cóc buôn bán phụ nữ trẻ em, đó đều là những hậu quả do nạn lụt sông Hoàng Hà để lại, người chết đói đầy đường. Sau mỗi trận thiên tai, không khí tang tóc bao trùm khắp vùng vì người chết quá nhiều, những người chết không có người nhà tới nhận đều bị chó hoang chim rừng rỉa thịt trơ cả xương. Tìm người hỏi mới biết là do quân phiệt Đồ Hắc Hổ mở cửa sông mới gây ra cơ sự.
Dương Phương nghe tiếng ác của Đồ Hắc Hổ thì biết ngay đây là một tên thổ phỉ tâm địa độc ác, giết người không ghê tay, lợi dụng thời thế loạn lạc để tác oai tác quái, gây họa không ít. Tên này hai mắt trắng dã, theo thuật xem tướng, đây là tướng mạo của kẻ gian xảo, để lâu ắt gây đại họa về sau.
Trưa hôm đó, Dương Phương tự tin bước vào Khai Phong phủ, cổ nhân nói rất đúng “Sóng sông Hoàng Hà không có gió cũng cao ba thước, cát thành Khai Phong không có gió cũng cao ba thước”, sau trận đại hồng thủy thì trời nổi gió, gió rít như tiếng quỷ gào, trong thành ngoài thành bụi bay mù mịt, Dương Phương than thầm: “Đúng là ngoài cửa sông gió to thật! Gió cứ như muốn cuốn bay cả người thế này, tựa hồ thổi con người ta tới tận cung điện của Vương Mẫu nương nương vậy.”
3
Vừa đi vừa nghĩ cho tới tận cổng thành Khai Phong, người dân ở đây đã quá quen thuộc với những trận bão cát như vậy, trên phố người đi lại vẫn tấp nập, bỗng ở đâu xuất hiện nhiều quân lính, diện mạo hung tợn đang xua đuổi người dân dẹp sang hai bên đường, Dương Phong nghe thấy tiếng vó ngựa, chen lấn trong đám đông để nhìn cho rõ, hóa ra là đội kỵ binh của quân phiệt đi ngang qua thành.
Đội quân kỵ binh này được trang bị kỹ lưỡng, người như rồng ngựa như hổ, đi lại như gió, chính giữa là một người đàn ông to lớn như cái cột sắt, khoảng chừng trên dưới bốn mươi tuổi, khuôn mặt vuông đen xì, diện mạo hung dữ, râu ria rậm rạp, đằng đằng sát khí, mình mặc quân phục, lưng đeo quân đao, còn có súng ngắn, chân đi hài, cưỡi trên con tuấn mã dũng mãnh lao vút ra phía cổng thành.
Dương Phương đứng trong đám đông nên trông thấy rất rõ ràng, không cần hỏi cũng biết viên tướng quân mặt sắt đen xì cưỡi ngựa đó chính là thủ lĩnh quân phiệt Đồ Hắc Hổ. Trông bộ dạng người đó ngồi vững vàng trên lưng ngựa cho thấy võ công của hắn ta cũng không phải hạng xoàng.