Tôi biết tượng trong mộ được chia làm nhiều loại, ví dụ trong mộ Tần Thủy Hoàng, có tượng đất nung chôn theo tùy táng, còn loại tượng đặt bên cạnh quan tài thường được gọi là tượng trấn điện, có nhiều hình thù khác nhau, như tượng dũng sỹ, tượng cung nữ v.v… tượng được mặc áo giáp ngọc như trong hầm mộ này thì lần đầu tiên tôi nhìn thấy, (Bạn đang đọc truyện tại website: Haythe.us) trước đó cũng chưa từng nghe nói tới.
Điếu bát tròn mắt đứng nhìn, luôn miệng tặc lưỡi khen: “Người xưa mê tín, cho rằng con người có ba hồn bảy vía được đặt trong cửu khiếu[1">, sau khi chết đi, hồn phách sẽ thoát ra ngoài qua chín lỗ trên cơ thể, thi thể con người vì thế sẽ bị phân hủy dần. Chính vì vậy, nên người xưa thường dùng các miếng ngọc để bịt kín các hốc lại, giúp cho thi thể được giữ nguyên vẹn mãi mãi. Quan niệm này có từ thời Xuân Thu Chiến Quốc, truyền tới thời Hán thì xuất hiện các loại áo bằng ngọc, các miếng ngọc được nối với nhau bằng các sợi chỉ bằng vàng, trên khắc chìm các hoa văn hình rồng, nên còn được gọi là Giao long ngọc giáp. Những bức tượng này không phải mặc áo giáp ngọc mà là bị nhốt trong cũi ngọc. Mọi người nhìn xem, phần đầu tượng đều bằng vàng, trên người trùm một lớp áo bằng ngọc, không biết thân tượng có phải bằng vàng không. Nếu toàn bộ bức tượng đều bằng vàng, lại mặc lớp áo ngọc thì thật khủng khiếp.”
[1"> Cửu khiếu: Tức chín lỗ, gồm 2 mắt, 2 lỗ mũi, 2 tai, miệng, hậu môn, lỗ tiểu.
Mặt dày cúi đầu nhìn xuống chiếc túi da rắn rồi lại ngẩng đầu lên nhìn những bức tượng, những bức tượng vàng đều cao hơn người bình thường nửa cái đầu, cho dù chiếc túi có to tới đâu cũng không nhét vừa, tượng lại không chỉ có một bức, không khiêng cũng không vác được, giống như sơn hào hải vị bày ra bàn mà chỉ được ngửi mùi hương chứ không được ăn, đúng là khó chịu.
Tôi nói Mặt dày khoan hãy động vào những bức tượng đó, chưa từng nghe ai nói dùng tượng vàng để trấn điện cả, huống hồ áo ngọc thường là dùng cho các bậc đế vương mặc sau khi băng hà, thời Hán chỉ có Thiên tử mới được mặc áo ngọc khâu bằng chỉ vàng, các chư hầu và vương gia chỉ được dùng chỉ bạc hoặc đồng. Tới tận thời Hậu Hán, khi Tào Tháo có lệnh loại nào cũng không được dùng thì tục tùy táng áo ngọc mới chấm dứt triệt để. Hơn nữa, chủ nhân ngôi mộ nằm trong quan tài kia là ai? Tại sao mấy thứ này lại có thể mặc trên người những bức tượng trấn điện được?
Mặt dày nói: “Những thứ cậu chưa thấy bao giờ còn đầy ra đấy, những chiếc áo ngọc này mặc trên người bức tượng vàng thì cậu làm được gì nó? Nói đi thì nói lại, nếu những bức tượng trấn điện này đều bằng vàng thì chúng ta không thể nào di chuyển được…” Nói rồi, anh ta giơ tay ra vỗ vỗ vào đầu bức tượng vàng, ai ngờ vừa mới động vào thì đầu tượng đã rơi xuống đất, phát ra tiếng kêu nghe rất nặng nề.
Mọi người đưa mắt nhìn nhau: “Sao đầu tượng lại rơi xuống được? Không lẽ đầu tượng và thân tượng không gắn liền với nhau?”
Lúc đó, một mùi hôi thối bốc lên, cầm đuốc lại gần mới biết đầu tượng bằng vàng, còn bên trong tấm áo bằng ngọc là một xác chết khô đét. Hóa ra, trong những bức tượng trong chính điện này đều là những xác chết không đầu, xác chết để trong áo ngọc là giúp không bị phân hủy, tất cả đều khô đét, đầu không rõ đã bị chặt đi đâu, bên trên lắp một chiếc đầu bằng vàng thay thế.
Điền Mộ Thanh nhìn thấy cảnh tượng đó thì sợ hãi vô cùng, tôi lại băn khoăn: “Thường thì tượng trấn điện có tượng đất, tượng đá, tượng ngọc, nhưng chưa bao giờ thấy loại tượng vàng bên trong có người mất đầu cả, cho dù là người tùy táng thì cũng không nên chặt đầu rồi lắp đầu tượng vàng lên trên. Những xác chết không đầu này là để làm gì? Tại sao họ lại bị chặt đầu?”
Mặt dày nói: “Chắc là chủ nhân ngôi mộ thấy những người này chưa đủ độ hoành tráng nên chặt đầu họ đi để thay một chiếc đầu vàng vào, thật là phóng khoáng.”
Tôi không tài nào hiểu nổi tại sao lại dùng xác chết không đầu để làm tượng trấn điện, chắc chắn không phải lý do như Mặt dày vừa nói. Những chuyện kỳ lạ trong núi Hùng Nhĩ quá nhiều, mỗi chuyện đều khiến cho chúng tôi không tài nào lý giải nổi.
Mặt dày nói: “Những chuyện lạ khiến người ta không hiểu nổi thì còn nhiều lắm. Tại vùng Tây Bắc, trước giải phóng, dân đổ đấu truyền nhau một câu chuyện, trong một lần đào mộ, họ chẳng đào thấy vàng bạc châu báu đâu, mà đào được một cô gái bị chôn sống hơn mấy trăm năm, lạ kỳ ở chỗ cô gái đó vẫn còn sống, kể lại tỉ mỉ chuyện năm xưa. Cậu nói xem có lý giải nổi không? Làm nghề này như bọn mình thì không nên nghĩ ngợi quá nhiều.”
Điếu bát cũng nói: “Cậu đừng nghĩ nhiều quá, chúng ta chẳng biết ngôi mộ này chôn ai, có nghĩ cũng bằng không.”
Tôi ngẫm cũng phải, ngước mắt lên nhìn cỗ quan tài phía trước, người chết nằm trong cỗ quan tài kia chắc chắn không tầm thường chút nào.
4
Mặt dày nói: “Có mở nắp quan tài cũng chưa chắc đã biết, cậu còn mong người chết trong quan tài mở miệng nói cho cậu biết chắc?”
Điền Mộ Thanh nói: “Các anh đừng động vào chiếc quan tài trong đại điện, tôi sợ là sẽ có chuyện.”
Tôi hiểu ý cô ấy, nhưng không mở quan tài xem cho rõ ràng thì ác mộng trong bức bích họa mộ cổ thời Liêu sẽ mãi vẫn còn ám ảnh tôi, sớm muộn gì cũng bị nó hành hạ cho tới chết. Có điều, tôi không muốn liên lụy đến người khác, trong chính điện ẩm thấp đến nghẹt thở, xem địa thế thì dường như ở dưới đáy hồ, không chừng có thể thông ra các ngọn núi xung quanh. Tôi nói Điếu bát và mọi người đi tìm đường ra, một mình tôi ở lại.
Điếu bát lên tiếng: “Huynh đệ đừng nói những lời này, bình thường anh hay nhát gan, nhưng đó là chưa gặp chuyện, gặp chuyện rồi quyết không lùi bước.”
Mặt dày cũng nói: “Tôi không nói nhiều, cùng lắm là chết chung với cậu.”
Tôi nói: “Có câu này của các anh thì tôi cũng không phải nói nhiều nữa, chúng ta hiểu trong lòng là được.”
Mặt dày nói: “Đúng thế, không cần phải nói gì hết, chúng ta lặn lội tới đây chẳng phải là để đào mộ lấy bảo vật sao? Đồ trong quan tài ở gian chính điện này chắc chắn còn giá trị hơn cả vương miện Lộc thủ bộ dao quan, chúng ta cùng mở quan tài thôi.”
Điền Mộ Thanh đứng bên cạnh nghe chúng tôi nói vậy vội can ngăn, nhưng chẳng ai chịu nghe, mọi người cùng tiến về chỗ chiếc quan tài.
©STE.NT
Mặc dù nói rằng người sợ ma ba phần thì ma sợ người bảy phần. Nhưng mộ cổ trong núi Hùng Nhĩ này rất quái dị, không ai dám hành sự lỗ mãng. Ánh đèn đuốc chiếu tới chỗ quan tài này thì không còn rõ ràng nữa, chúng tôi phải bật đèn pin lên hỗ trợ mới nhìn thấy chi tiết cụ thể trên quan tài. Các họa tiết trên quan tài phân thành hai màu đen và đỏ, có mấy vòng xích bằng đồng quấn bên ngoài quan tài. Chiếc quan tài được đặt trên lưng bức tượng đá mặt người mình hổ, có mấy chiếc vòng đồng gắn chặt lấy chuỗi dây xích.
Quan tài có từ rất xa xưa, đầu tiên được làm bằng gỗ. Nhưng vì làm bằng gỗ nên dễ bị mục nát, bởi vậy không ai nhìn thấy quan tài thời Tây Chu được làm như thế nào, quan tài bằng đá thì rất ít, có thể nói nghìn năm mới gặp được một lần. Dân đào trộm mộ thời trước có truyền nhau có người cũng đào được một mộ thời trước Tây Chu, quan tài cổ là gốm sứ nung, hình dạng giống chiếc vại lớn, bên trên có họa tiết hình cá. Tới thời Hán, Đường, quan tài được làm bằng gỗ hoặc ngọc, nhưng cũng rất ít gặp.
Điếu bát chặc lưỡi nói: “Vừa đen lại to thù lù thế này, có phải là gỗ chò không nhỉ?”